Gần đây trên thị trường phụ tùng xe máy Việt Nam đang dậy sóng với sản phẩm má phanh được làm từ bã cà phê của anh Nguyễn Thái Sơn. Thất vọng về các sản phẩm má phanh xe máy được điều chế từ vật liệu độc hại chứa amiăng – chất có thể gây ung thư, anh Nguyễn Thái Sơn đã sản xuất ra loại má phanh làm từ… bã cà phê. Ý tưởng táo bạo và khó tin này được ra đời rất tình cờ khi anh Sơn ngồi nhâm nhi tách cà phê. Với thành phần chứa bột cà phê, má phanh Nam Khánh mùi cà phê là sản phẩm duy nhất tại thị trường Việt Nam vừa đảm bảo ba yếu tố: Sạch, rẻ và thân thiện với môi trường.

{keywords}
Anh Nguyễn Thái Sơn – Giám đốc Công ty cổ phần má phanh Nam Khánh với sản phẩm má phanh được làm từ bã cà phê.

“Tôi đi xin bã cà phê đưa về xưởng ở Hưng Yên để cùng anh em kỹ thuật mày mò thử nghiệm, vì tôi tin là loại bột mịn này có thể là giải pháp cho má phanh xe. Dùng loại vật liệu này không chỉ tái chế được bã cà phê, mà còn giúp tạo ra mùi thơm đặc trưng cho mỗi sản phẩm”, anh Sơn cho biết.

Sản phẩm má phanh của công ty đã được Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cấp phiếu kết quả thử nghiệm sản phẩm không có thành phần amiăng. Trên thị trường có hai dòng sản phẩm, một dòng rẻ tiền thường chứa amiăng, chất có thể gây ung thư. Loại còn lại là má phanh không chứa amiăng nhưng lại có giá thành cao, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan. Má phanh của Nam Khánh là loại không chứa amiăng, được cam kết chất lượng tốt, độ bền cao, mài mòn đều nhưng lại có giá thành hợp lý.

{keywords}
Theo kết quả thử nghiệm của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sản phẩm má phanh của Công ty Nam Khánh không chứa amiăng.

Thạc sĩ Phạm Văn Thơ – Chủ tịch Hiệp hội xe máy, xe điện doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Lắp ráp xe máy Victoria (Hưng Yên) – đánh giá, má phanh do Công ty Nam Khánh cung cấp có độ ma sát đều, không bị kêu, đảm bảo lực phanh theo tiêu chuẩn của Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ Giao thông vận tải.

“Chúng tôi đã sử dụng sản phẩm và có đánh giá tốt cả về kiểu dáng, chất lượng và giá cả. Chúng tôi sẽ khuyến khích thành viên của hiệp hội sử dụng sản phẩm này vì đây là sản phẩm bảo vệ môi trường”- ông Thơ nói và đánh giá cao sự sáng tạo, kiên trì của cán bộ nhân viên công ty Nam Khánh.

Bã cà phê thay thế chất gây ung thư

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống trên 30 năm kinh doanh phụ tùng xe gắn máy ở Hà Nội, anh Nguyễn Thái Sơn luôn ý thức về việc giữ gìn uy tín của gia đình.

{keywords}
Sản phẩm má phanh được làm từ bã cà phê của Công ty Nam Khánh

Sau nhiều năm trăn trở với khát vọng sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Việt có thể chiếm lĩnh thị trường phụ tùng xe máy, năm 2017 anh quyết định đầu tư xây dựng Công ty cổ phần má phanh Nam Khánh đặt tại Khu công nghiệp Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.

“Khi đó, tôi thấy rằng chưa có công ty nào trong nước sản xuất sản phẩm má phanh để xuất khẩu nên mạnh dạn đi sâu vào lĩnh vực này. Má phanh là vật tư tiêu hao mà xe nào cũng phải cần đến, sau một thời gian dùng lại phải thay thế nên tiềm năng thị trường rất lớn. Ngay từ đầu tôi đã tâm nguyện sẽ dùng sản phẩm an toàn, không dùng amiăng, vì amiăng là chất gây hại, có thể gây nguy cơ ung thư cho người hít phải bụi của chất này”, anh Sơn nhớ lại.

Đến nay sản phẩm của công ty Nam Khánh đã được nhiều doanh nghiệp trong nước tin dùng. Theo anh Sơn, công ty cổ phần má phanh Nam Khánh đang kỳ vọng sẽ đi tiên phong trong lĩnh vực má phanh không có thành phần amiăng. “Chúng tôi kỳ vọng khi nhắc đến má phanh Việt Nam thì khách hàng sẽ nhớ tới Nam Khánh”- vị giám đốc trẻ tự tin.

Sản phẩm má phanh được làm từ bã cà phê có ưu điểm là giảm vật liệu vô cơ tăng thành phần hữu cơ, giúp sản phẩm êm ái hơn khi sử dụng.

Cầm chiếc má phanh thơm mùi cà phê, vị giám đốc trẻ hào hứng: “Bột cà phê có tính khử mùi mạnh, có mùi thơm nên khi trộn vào các nguyên liệu khác để làm ra má phanh xe máy sẽ không có mùi hôi khó chịu, thay vào đó là mùi thơm đặc trưng của cà phê”.

Được biết, Công ty cổ phần Má phanh Nam Khánh đang xúc tiến đăng ký nhãn hiệu má phanh cà phê với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Từ đó sẽ xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Thái Lan, Campuchia và sẽ cạnh tranh trực tiếp với hàng của Thái Lan và Trung Quốc về giá cả và chất lượng ở Việt Nam và tại chính thị trường các nước này.